THÁNH THẤT THÁNH TỊNH CAO ĐÀI

Vạn pháp cung- Địa Linh Động, Cơ sở 1 (Thờ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế)


Địa chỉ: Ấp Ninh Tân, Xã Ninh Sơn, Thị Xã Tây Ninh, Tây Ninh.
Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh Tây Ninh TP Tây Ninh Vạn Pháp Cung

18VanPhapCung

Lược sử

Lập tại chơn núi ở phía Nam núi Bà Đen, cách Tòa Thánh 9 cây số, dùng làm tịnh thất riêng cho nam phái. Ngày 12-6 Mậu Dần (09-7-1938), Đức Hộ Pháp cùng vài vị môn đệ trong Phạm Môn đi tìm mua hay khẩn đất tạo dựng sở Sơn Điền, làm ruộng và lập vườn đem huê lợi về cho Đạo.

Ngày 28-10 Giáp Ngọ (23-11-1954), Đức Hộ Pháp đi vào Sơn Điền để định chỗ xây dựng cơ sở tịnh thất lấy tên là Vạn Pháp Cung- Linh Sơn Động, sau đổi lại là Nhơn Hòa Động đặng hiệp với Thiên Hỷ Động và Địa Linh Động cho Tam Động đủ Tam Tài Thiên, Địa, Nhơn. Đồ án xây dựng Vạn Pháp Cung, tịnh thất nam phái, đã được Đức Hộ Pháp phê chuẩn và dạy rằng: “Bần Đạo lập Trí Huệ Cung trước cho nữ phái, sau nam phái phân bì mà lo cất Vạn Pháp Cung trên núi.”

Khởi công xây dựng tháng 2 năm Ất Mùi (1955) do Đạo Nhơn Nguyễn Văn Gia chưởng quản Ban Tạo Tác. Nhưng sau đó, Đức Hộ Pháp xuất ngoại sang Tần Quốc vào tháng giêng Bính Thân 1956 nên công cuộc tạo dựng theo đồ án phải đình hoãn.

Ngày nay, sau khi giao một phần đất cho Khu Du Lịch Núi Bà và làm nghĩa trang liệt sĩ, Vạn Pháp Cung, cơ sở chánh (cơ sở số 1) được xây dựng một ngôi bửu điện thờ Đức Chí Tôn, một ngôi bửu điện thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu và một ngôi Anh Linh Cố Tánh để thờ các vong hồn được nhập môn vào Đạo. Đường sá được mở sát vào Vạn Pháp Cung để phân biệt với phần đất đã cắt giao. Các cơ sở Vạn Pháp Cung số 3, số 4, số 5 và 6, thì cách xa trong vòng 1000 mét. Cơ sở số 2 chỉ còn lại phần nghĩa địa. Người tu ở Vạn Pháp Cung đầu cạo tóc, mặc áo màu nâu dà như các nhà sư Phật giáo, kinh cúng tứ thời vẫn giữ y kinh lễ Cao Đài.

Ghi Chú:
(1)- Sự tích Bà Đen Lý Thị Thiên Hương (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở núi Bà Đen

Vào thế kỷ 17, tỉnh Bình Định gặp hạn hán mất mùa, dân tình đói khổ. Có bốn người bạn thâm giao cùng đưa gia đình vào Nam lập nghiệp là các ông Lý Thiên cùng vợ là Đặng Ngọc Phụng, ông Đặng Nhượng, ông Ba Sánh và ông Chín Thép. Bốn gia đình vào định cư tại vùng đất Quang Hóa, nay là huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Quan huyện đương thời là Hà Đảnh thấy bà Đặng Ngọc Phụng trẻ đẹp nên tìm cách mưu hại Lý Thiên và ép bà làm hầu thiếp mặc dầu Bà đang mang thai. Bà cố sống chờ sanh con và tìm cách báo thù chồng. Ngày tháng qua nhanh, bà sanh được một gái xinh đẹp, đặt tên là Lý Thị Thiên Hương. Nàng có lòng mộ đạo, thường lên non hành hương lễ Phật. Một hôm bị bọn cướp vây bắt, nàng may nhờ tráng sĩ Lê Sĩ Triệt cứu nạn.

Lê Sĩ Triệt
Nhơn một chuyến đi hóa trai về, nhà sư Trí Tân giữa đường gặp hai tử thi và một đứa bé còn sống ấy là Lê Sĩ Triệt. Nhà sư đem đứa bé lên núi để nuôi và truyền kiếm thuật để cứu nhơn độ thế. Năm 1780 anh em Nguyễn Huệ nổi dậy đánh Nguyễn Ánh ở Quy Nhơn – Bình Định, Lê Sĩ Triệt theo nghĩa quân Tây Sơn giết được quan huyện Hà Đảnh trả mối thù cho cha mẹ chàng và cho thân phụ Thiên Hương. Lý Thị Thiên Hương và Lê Sĩ Triệt gá nghĩa chồng vợ. Hai người thường lên núi lễ Phật và thăm viếng ân sư Trí Tân.

Lý Thị Thiên Hương hiển Thánh
Nhân đến ngày lễ dâng hương kỉnh Phật và thăm viếng sư phụ, Thiên Hương đến viếng mộ cha mẹ chồng ở dưới triền núi phía nam, chẳng may gặp bọn cướp trong đó có Châu Thiện trước kia là bộ hạ của Hà Đảnh. Thiên Hương chạy vào đường cùng, gặp khe núi, thấy thế khó thoát thân, liền nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau đó Thiên Hương về báo mộng cho sư phụ Trí Tân đến nơi tử tiết đem xác về hỏa táng. Khi đang làm lễ hỏa táng, một số người ác tâm, hãm hại, đến xem, bị hộc máu chết liền tại chỗ. Từ đó oai linh hiển thánh của bà được thế nhân tôn sùng là bậc nữ thần Linh Sơn. Sau một thời gian khá lâu, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy lạc đến Tây Ninh, Thiên Hương đến báo mộng, mách bảo Nguyễn Ánh phải qua Xiêm tá binh, sau nầy sẽ khôi phục cơ đồ, thống nhứt giang sơn. Nhớ ơn xưa, sau khi lên ngôi vua, năm 1802, theo sớ dâng của Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt, vua Gia Long sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, chủ trì Linh Sơn Tiên Thạch Động, cho cất điện và đúc tượng bằng đồng đen để thờ nơi núi Tây Ninh. Kể từ đó dân chúng tránh tên Thiên Hương, gọi Bà là Bà Đen vì tượng của Bà màu đen và gọi núi Tây Ninh là núi Bà Đen. Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch.

(2)- Hồ Dầu Tiếng nằm cạnh núi Bà Đen, có dung tích 1,58 tỷ m3 nước trên diện tích mặt nước rộng 27.000 ha và 45.600 ha đất bán ngập nước. Đây là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và của Đông Nam Á. Lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu và phần nhỏ tại huyện Tân Châu cách thị xã Tây Ninh 25Km về phía Đông. Hồ được khởi công xây dựng ngày 29 tháng 4 năm 1981, hoàn thành ngày 10 tháng 1 năm 1985. Công trình nầy hầu như huy động gần hết nhân dân ở độ tuổi thanh niên ở tỉnh Tây Ninh tham gia đào hồ. Với một đập xả lũ chánh ra đầu nguồn sông Sài Gòn và hai đập phụ xả ra hai kênh Đông và kênh Tây dẫn đến 1053 tuyến kênh có tổng chiều dài 1.000 km tưới tiêu, phát triển một vùng nông nghiệp rộng lớn trồng lúa, khoai mì, mía, từ Tây Ninh đến Củ Chi TP Hồ Chí Minh, tạo một mảng xanh trải dài vô tận.