THÁNH THẤT THÁNH TỊNH CAO ĐÀI

Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh


Địa chỉ: Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, Thị Trấn Hòa Thành, Huyện Hòa Thành, Tây Ninh.
Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh Tây Ninh Huyện Hòa Thành Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh

Toa Thanh

Lược sử

Tại quận Thái Bình, tổng Hàm Ninh, làng Long Thành, sau đổi lại là quận Phú Khương, nay là huyện Hòa Thành, thị trấn Hòa Thành, cách tỉnh lỵ Tây Ninh trước kia khoảng 5 cây số về hướng Đông Nam, vào đầu năm 1927, Tòa Thánh Tây Ninh được cất tạm bằng mái tranh vách ván để có nơi thờ cúng Đức Chí Tôn và gấp rút dời Thánh thất từ chùa Gò Kén về để trả chùa lại cho Hòa Thượng Như Nhãn. Các cơ quan đạo khác cũng lần lược được xây dựng tạm bằng mái tranh vách đất để có nơi làm việc cho chức sắc. Sau khi công việc xây dựng tạm được ổn định, bắt đầu công việc lo xây dựng Tòa Thánh bằng vật liệu nặng với quy mô lớn theo mô hình của Đức Lý Giáo Tông và Đức Chí Tôn đã dạy.

Tháng 10 năm Tân Mùi (1931) Ngài Thái Thơ Thanh đứng ra khởi công đào móng làm nền, đào hầm Bát Quái Đài rồi tạm ngưng vì thiếu thốn vật liệu.

Năm 1933, Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt hiệp cùng bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh nối tiếp công trình, làm thêm được một ít không bao lâu rồi tạm ngưng.

Năm 1935, Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh vận động khởi công làm được lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột đổ plafond đặng chút ít rồi ngưng.
Ngày 01-11 Bính Tý (14-12-1936), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc huy động 500 công quả hiến dâng, lập hồng thệ: trường chay, không được cưới vợ hay lấy chồng đặng đủ tinh khiết mà tạo tác Tòa Thánh đến lúc hoàn thành. Đốc công đầu tiên là ông Cương không kham được việc nên việc xây dựng được giao lại cho Ông Lê Văn Bàng (1903-1987) làm Tổng Giám.

Sau 4 năm rưỡi liên tục xây dựng, Tòa Thánh đã hoàn thành được phần căn bản, chỉ còn phần đắp vẽ trang trí nữa là xong. Ngày mồng 4-6 Tân Tỵ (28-6-1941) chánh quyền Pháp bắt Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đày đi hải đảo Madagascar, Phi Châu. Việc tạo tác Tòa Thánh phải tạm ngưng.

Ngày mồng 4-8 Bính Tuất (30-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp được chánh quyền Pháp đưa trở về Tòa Thánh sau hơn 5 năm lưu đày. Ngay sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp huy động công thợ công quả trở lại, để tiếp tục sửa chữa rồi đắp vẽ, trang trí gấp rút hoàn thành trong năm Bính Tuất (1946).

Ngày mùng 3 tháng giêng Đinh Hợi (24-01-1947), Tòa Thánh đã hoàn thành, Tổng Giám Lê Văn Bàng cùng các Phó Tổng Giám, Tá Lý , đại diện các công thợ làm lễ bàn giao công trình. Ngày mồng 6 tháng giêng Đinh Hợi 1947, Đức Hộ Pháp thiết lễ Trấn Thần Tòa Thánh. Ngày mùng 8 tháng giêng Đinh Hợi 1947, rước Quả Càn Khôn gởi nơi Báo Ân Từ về thờ nơi Tòa Thánh để khuya hôm đó tổ chức vía Đại lễ Đức Chí Tôn.

Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh, một ngôi đền đồ sộ, oai nghiêm, tráng lệ và kỳ diệu, nơi thờ Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tòa Thánh quay mặt về hướng Tây, kích thước theo dự tính ban đầu của Đức Giáo Tông Thái Bạch có bề dài 135 mét, bề ngang 27 mét, cao 36 mét nhưng Đức Chí Tôn sợ tốn kém nhiều cho tín đồ, nên dạy làm theo thước mộc. Kích thước thật tế: bề dài 97,50 mét, bề ngang 22 mét, bề cao lầu chuông và lầu trống 27 mét. Tòa Thánh có tổng cộng 156 cây cột rồng ở từng trệt. Hình dáng kiểu cách Tòa Thánh nổi bật, bao gồm các văn minh kiến trúc của các nền tôn giáo thế giới, thể hiện rõ tôn chỉ của đạo Cao Đài là Tam Giáo quy nguyên và Ngũ Chi hiệp nhứt.

Việc chọn đất xây dựng, kiểu mẫu kiến trúc, kích thước Đền Thánh đều do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông giáng cơ chỉ dạy hàng đêm, nên không có bản vẽ của kiến trúc sư, không có kỹ sư xây dựng và do đó cũng không có giấy phép xây dựng. Đại lễ khánh thành Tòa Thánh được tổ chức trong 10 ngày từ mùng 6 tháng giêng Ất Mùi (29-01-1955) đến 16 tháng giêng Ất Mùi (08-02-1955), đồng thời khánh thành Đền Thờ Phật Mẫu, Giáo Tông Đường, Hộ Pháp Đường, Nữ Đầu Sư Đường, Tòa Nội Chánh, Văn Phòng Hội Thánh, Phước Thiện và các dinh thự khác.

Bản đồ